Quả nhàu khô được dân gian sử dụng trong điều trị các bệnh xương khớp, chấn thương, rối loạn kinh nguyệt, huyết áp cao, suy nhược cơ thể,… Tuy nhiên không phải ai cũng biết đến loại quả thảo dược này và cách dùng ra sao cho hiệu quả. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc những thông tin về quả nhàu khô.
Quả nhàu khô và những thông tin cần biết
Quả nhàu khô là sản phẩm thu được sau khi sấy hoặc phơi khô quả của cây nhàu tươi. Cây nhàu được miêu tả khoa học đầu tiên vào năm 1753 với những thông tin dưới đây:
- Tên dược liệu: Cây nhàu
- Tên gọi khác: cây Noni, Nhàu núi, cây Ngao, Dâu Ấn Độ, Dâu bãi biển,…
- Tên khoa học: Morinda Citrifolia thuộc họ Cafe – Rubiaceae
Đặc điểm thực vật và điều kiện sinh trưởng của cây nhàu
Cây nhàu là loại thực vật thân gỗ mọc thẳng đứng và có đặc điểm thực vật đặc trưng:
- Thân cây cao khoảng 4-8 m có thân, cành non mập, có 4 cạnh rõ, màu lục hoặc nâu nhạt. Cành non có màu xanh, tiết diện vuông, có rãnh, nhẵn; cành già tiết diện tròn, màu nâu xám.
- Lá cây mọc đối xứng với nhau, hình hơi bầu dục, có chiều dài khoảng 15-30 cm, rộng tới 6-8cm, phần mép lá có hình uốn lượn. Cuống của lá chỉ dài khoảng 1–2 cm, có lá kèm nằm giữa 2 lá mọc đối nhau, có hình xoan, dài khoảng 1-1,5 cm, màu xanh nhạt.
- Hoa mọc ở phần nách lá, thuộc dạng hoa tròn, hơi có hình bầu dục. Cụm hoa có trục màu xanh thẫm hơi dài, đáy hoa hình cụm có 3 hoặc 4 phiến hoa. Cây ra hoa quanh năm, nhưng tập trung nhiều nhất vào khoảng tháng 11 đến tháng 2 năm sau, cho quả vào khoảng tháng 3-5 hàng năm.
- Quả (trái) nhàu thuộc dạng quả hạch kép do bầu noãn và một phần lá đài của các hoa trên cụm hoa dính với nhau tạo thành. Quả khi còn non có màu xanh nhạt, dài 5–7 cm, rộng 3–4 cm. Quả già có màu ngà vàng, nhẵn bóng, mùi hơi khai khai, trên quả còn vết tích của nhựa. Quả chứa thịt khi chín màu vàng, ăn được, mùa sai quả vào tháng 7, tháng 8 hàng năm.
- Trong quả có chứa hạt nhiều, hình bầu dục, một đầu nhọn, màu nâu đen.
Loại cây này thường mọc ở vùng ôn đới và nhiệt đới. Ở Việt Nam, cây thường mọc ở những vùng ẩm thấp như ven bờ sông, bờ suối, ao hồ, các kênh mương rạch ở khắp các tỉnh miền nam và một số tỉnh miền trung.
Thu hái và bào chế Trái nhàu khô
Theo kinh nghiệm dân gian thì thời gian sinh trưởng của cây nhàu phải ít nhất 12 tháng mới có thể thu hoạch được. Người dân thường thu hoạch quả nhàu già, có mắt căng mọc để bào chế làm dược liệu.
Cách làm trái nhàu khô đơn giản như sau:
- Bước 1: Rửa sạch trái nhàu và để cho ráo nước
- Bước 2: Cắt quả nhàu thành từng miếng lớn (thường là cắt đôi theo chiều dọc)
- Bước 3: Rải trái nhàu đã được sơ chế vào một cái mâm (hoặc nong nia) rồi đem phơi ngoài nắng to hoặc sấy khô. Thông thường sau 3 – 4 nắng quả nhàu sẽ khô hoàn toàn. Quả sẽ chuyển sang màu đen, cứng, xù xì, mặt trong màu vàng hoặc nâu, thấy rõ hạt.
Trái nhàu khô được bảo quản trong túi ni lông hoặc trong hộp kín, để nơi mát mẻ, khô ráo, tránh nguồn nước.
Quả nhàu khô có tác dụng gì đối với sức khỏe?
Không phải ngẫu nhiên mà trái nhàu khô được ưa chuộng và tìm kiếm nhiều đến vậy. Tác dụng của loại dược liệu này đã được khẳng định và sử dụng trong cả Y học hiện đại và Y học cổ truyền.
Tác dụng quả nhàu khô theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, quả nhàu có vị hăng, cay nồng, tính mát, quy vào kinh Thận và Đại tràng, có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa, hoạt huyết, điều kinh.
Theo đó, trái nhàu thường được dùng để chữa các bệnh như: bệnh gout, táo bón, khó tiểu, điều hòa kinh nguyệt, chữa ho, hen suyễn, hạ sốt, giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể.
Công dụng quả nhàu khô theo nghiên cứu Y học hiện đại
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trong trái nhàu có tới 29 loại acid hữu cơ, tinh dầu và nhiều loại axit amin,vitamin C, caroten, sắt, Ca, Mg, K, Na. Những dưỡng chất này đều rất có lợi cho sức khỏe con người, hỗ trợ điều trị và phòng ngừa hiệu quả nhiều chứng bệnh.
- Loại bỏ độc tố: Các chất trong trái nhàu khô giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ, tiêu hóa vitamin, thảo dược và các khoáng chất. Đồng thời, nó còn có khả năng chống oxy hóa cao giúp ngăn chặn sự hủy hoại của những gốc tự do trong cơ thể.
- Chống viêm: Cụ thể, loại dược liệu này giúp giảm đau và giảm sưng những vết thương có triệu chứng như vết thâm tím, bỏng, căng da, viêm khớp, hội chứng nhức xương ở cổ tay,…
- Giảm đau: Trong trái nhàu có những hợp chất có thể giúp xóa tan căng thẳng mệt mỏi và giảm nhanh những cơn đau trong cơ thể như: đau lưng, đau cơ, cổ, đau dây thần kinh, đau nửa đầu.
- Hỗ trợ điều trị ung thư: Trong dịch trái nhàu có chứa chất damnacanthal có khả năng ức chế nhiều loại tế bào ung thư nhờ cơ chế giảm máu cung cấp tới các khối u, nhờ đó tiêu diệt tế bào ung thư.
- Cải thiện hệ thống tiêu hóa: Nước nhàu làm tăng sự co bóp cơ trơn ở trong ruột, kích thích quá trình đẩy các chất thải ra ngoài. Sắc trái nhàu khô uống có tác dụng kích thích sự co bóp của ruột, nhuận tràng, cải thiện hệ tiêu hóa, chữa táo bón.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Sản xuất tế bào T, đây là những tế bào giữ vai trò quan trọng trong việc đề kháng với các tế bào lạ, các dị nguyên gây dị ứng, các tế bào lạ bị tiêu diệt dần dần, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.
- Hỗ trợ điều trị hen suyễn: Nước trái nhàu giúp giảm phát cơn hen suyễn ở người bệnh, ngăn ngừa các dị nguyên giúp giảm tình trạng dị ứng ở người bị hen suyễn.
- Giảm cân: Uống nước trái nhàu thường xuyên giúp giảm cảm giác thèm ăn, nhờ đó giúp giảm cân giữ dáng.
- Phòng ngừa bệnh tim mạch: Nước trái nhàu có khả năng tăng cường cholesterol tốt và giảm cholesterol xấu, làm thông thoáng các mạch máu, bền thành mạch, giảm huyết áp và phòng ngừa bệnh lý tim mạch hiệu quả.
- Chống lão hóa, làm da sáng mịn hơn: Để làm chậm quá trình lão hóa và giúp da mịn màng, tươi trẻ hơn, bạn nên uống 30 – 45 ml nước nấu từ trái nhàu khô mỗi ngày.
Quả nhàu khô chữa bệnh gì và những bài thuốc hiệu quả nhất
Trái nhàu khô là 1 loại dược liệu được dân gian sử dụng trong việc điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Dưới đây là những bài thuốc hay được dân gian lưu truyền mà bạn có thể tham khảo.
Bài thuốc chữa đau lưng và nhức mỏi xương khớp
Để chữa các bệnh xương khớp, đau khớp, chấn thương dẫn đến đau lưng, nhức mỏi xương khớp bạn có thể dùng rượu ngâm nhàu khô. Ngoài ra, loại rượu thuốc này còn rất tốt cho bệnh nhân bị bệnh xương khớp, có thể sử dụng hàng ngày.
- Chuẩn bị 300g dược liệu quả nhàu khô, rượu.
- Đem 300g dược liệu rửa sạch rồi ngâm với 2 lít rượu 30 – 40 độ, ngâm trong vòng 2 tuần là có thể dùng được.
Mỗi lần uống khoảng 30 – 40ml, sử dụng 2 lần/ngày, không nên sử dụng quá nhiều để tránh ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng.
Chữa chứng rối loạn kinh nguyệt ở bệnh nhân cao huyết áp
Phụ nữ bị cao huyết áp, rối loạn kinh nguyệt hay bị đau bụng kinh có thể dùng bài thuốc dưới đây.
- Chuẩn bị ích mẫu 20g, hương phụ (củ gấu) tẩm giấm sao 12g, quả nhàu khô 20g, cam thảo dây 6g.
- Rửa sạch tất cả dược liệu và sắc với khoảng 600ml nước, thu về khoảng 300ml rồi chia thành 2 – 3 lần uống/ngày.
Sắc mỗi ngày 1 thang và uống hết trong ngày cho đến khi khỏi hoàn toàn.
Trị bệnh huyết áp cao, suy nhược thần kinh và mất ngủ
Dược liệu này kết hợp với các vị thuốc khác tác động rất tốt đến hệ thần kinh, có thể dùng để chữa bệnh suy nhược thần kinh, mất ngủ, khó ngủ, cao huyết áp.
- Chuẩn bị thảo quyết minh (hạt muồng) sao thơm 12g, gừng củ 3 lát, quả nhàu khô 24g, vỏ bưởi 6g, thổ phục linh 8g, rau má 8g.
- Cho các vị vào ấm, thêm 0.5l nước vào sắc kỹ cho đến khi còn một nửa là được. Mỗi lần dùng 125ml, uống 2 lần/ngày, dùng khi thuốc còn nóng.
Cách trị mụn cóc, làm đẹp da bằng bột nhàu khô
Bột nhàu khô không chỉ có thể dùng làm thuốc mà còn có thể làm mặt nạ dưỡng da, trị mụn.
- Kết hợp bột nhàu khô với nước và các thành phần có tác dụng trị mụn khác như mật ong, sữa chua không đường, tinh bột nghệ,… rồi trộn thành hỗn hợp.
- Đắp trực tiếp lên vùng da bị mụn và băng kín lại.
Mỗi ngày thực hiện 1 lần, sau khoảng 1 tuần thì mụn cóc sẽ nổi lên, mụn sẽ được loại bỏ mà không lo thâm hoặc mụn tái phát.
Quả nhàu khô là dược liệu được sử dụng khá phổ biến trong việc điều trị bệnh trong dân gian. Có rất nhiều cách chế biến trái nhàu theo kinh nghiệm dân gian đem lại hiệu quả tuyệt vời. Đun nước uống hằng ngày là cách làm đơn giản nhất, bạn có thể dùng nước uống thay trà uống hàng ngày, vừa có tác dụng chữa bệnh vừa tốt cho sức khỏe.